NỖI SỢ HÃI
Có ai đã từng bước chân trên hành tinh này mà không sợ hãi không hả các bạn? Chắc chắn là không có ai rồi. Từ khi sinh ra đến lúc chết đi, chúng ta ai cũng thường trực nhiều nỗi sợ hãi, trong đó có một số nỗi sợ nổi bật in sâu trong tiềm thức của chúng ta qua nhiều hành trình thể xác khác nhau, bởi vì chúng ta là những linh hồn trong trải nghiệm thể xác, chúng ta không đến đây lần đầu tiên. Nỗi sợ hãi chính là một trong hai kẻ thù nguy hiểm nhất của tất cả mọi người. Nó là nguyên nhân đứng đằng sau mọi suy nghĩ, lời nói và cảm xúc mà chúng ta phát khởi nếu chúng ta để nó chi phối và điều khiển. Bạn nghĩ mình thông minh? Bạn nghĩ mình tài giỏi? Không hẳn vậy đâu, chính nỗi sợ hãi là động cơ chi phối mọi thứ trong cuộc đời của bạn thông qua những lựa chọn.
Có bao nhiêu lựa chọn dành cho bạn? Chỉ có 2 lựa chọn chính tạo ra vô số cái phụ. Gì vậy, sao ít thế, nghe có vẻ vô lý nhỉ? Hãy suy ngẫm về động cơ hành động của bạn đi, bạn chỉ có thể lựa chọn nỗi sợ hãi hay tình yêu thương trong mọi giây phút của sự tồn tại, không có ngoại lệ. Bạn phấn đấu giàu có vì cái gì? Vì nỗi sợ nghèo đói phải chứ? Bạn cố làm hài lòng người khác vì cái gì? Vì nỗi sợ không được yêu thương và bị chỉ trích phải chứ? Bạn ám ảnh với vấn đề ăn uống vì sao? Vì bạn sợ bệnh tật phải chứ? Bạn ra sức chăm chút cho ngoại hình của mình vì sao? Vì bạn sợ bị chỉ trích phải chứ? Bạn tập luyện điên cuồng vì sao? Vì bạn sợ bị lão hóa, bệnh tật phải chứ? Nếu bạn có thể tự tin khẳng định bạn làm nó chỉ vì nó là điều bạn thích làm thì xin chúc mừng bạn đang sống với tình yêu thương. Yêu thương không chỉ là tình yêu đôi lứa, cha mẹ…mà còn là yêu thương chính bản thân mình, là sống đúng với con người thực của mình, là phát triển và sở hữu các phẩm chất tích cực như đam mê, cống hiến, gan dạ, dũng cảm, vị kỷ, tử tế…
Dưới đây là 6 nỗi sợ hãi cơ bản:
1. Nỗi sợ nghèo đói: là động cơ cho sự tham đắm tiền bạc và vật chất, bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết rằng bạn đã giàu có sẵn từ bên trong.
2. Nỗi sợ không được yêu thương: là động cơ mong muốn nhận được sự chú ý, công nhận của người khác, bắt nguồn từ truyền thống dạy dỗ rằng yêu thương là có điều kiện từ gia đình, từ người thân của bạn, từ sự hiểu sai rằng yêu thương đến từ người khác mà thực tế rằng nó phải đến từ chính bản thân bạn.
3. Nỗi sợ bị chỉ trích: là động cơ mong muốn làm hài lòng người khác, thay đổi bản thân vì ý kiến của người khác, bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết rằng thế giới bên ngoài là hình ảnh phản chiếu của thế giới bên trong.
4. Nỗi sợ bệnh tật: là động cơ ám ảnh với vấn đề ăn uống, tập luyện, bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết rằng bệnh tật chỉ là ảo ảnh do chính bạn tạo ra mà thôi.
5. Nỗi sợ tuổi già: là nỗi ám ảnh khi nghĩ đến bức tranh già yếu, bệnh tật, bệnh viện và chẳng còn giá trị gì cho cuộc sống, bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết rằng tuổi tác chỉ là 1 con số do chúng ta quy định với nhau mà thôi, 1 vòng trái đất quay xung quanh mặt trời.
6. Nỗi sợ cái Chết: là động cơ để chúng ta ra sức hoạt động không ngừng nghỉ để trốn tránh đối diện với nó, là điều kinh khủng và bí mật nhất mà chúng ta luôn không hiểu, bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về bản chất thực sự của con người.
Trong 6 nỗi sợ hãi cơ bản ở trên thì nỗi sợ cái chết, bệnh tật và tuổi già là đều liên quan trực tiếp đến cái Chết. Nỗi sợ nghèo đói là một sự ám ảnh với rất nhiều người, bởi vì họ còn luôn sống với tư duy nghèo đói. Nỗi sợ không được yêu thương bởi vì chúng ta thiếu tình yêu thương đối với chính bản thân mình. Cuối cùng, nỗi sợ hãi bị chỉ trích là một thử thách ghê gớm đối với các bạn thực hành lối sống xanh, những người bị người thân hay bạn bè chỉ trích thường xuyên nhất, chẳng hạn hiện tượng giảm cân, ngoại hình xấu hay các triệu chứng thải độc tạm thời. Chúng ta đã quen sống với việc lấy ý kiến đánh giá của người khác làm thước đo
Nếu bạn sợ hãi, bạn chỉ đang tồn tại mà thôi. Bạn chỉ dám và thực sự sống khi bạn đối diện với nỗi sợ hãi, hiểu về chúng, và làm điều ngược lại là yêu thương.
Hành trình cuộc đời của bạn và tôi là hành trình chiến đấu với nỗi sợ hãi, loại bỏ nó để chúng ta có thể tỏa sáng đúng như con người thực sự của chúng ta là, nó khác xa với những gì bạn hiện đang nghĩ về bản thân mình.
Nỗi sợ hãi lớn nhất của bạn là gì? Làm thế nào để vượt qua tất cả những nỗi sợ hãi này?
Hãy học hỏi và giữ tâm trí bạn cởi mở vì chỉ có kiến thức đúng đắn về bản thân mới giúp bạn vượt qua những nỗi sợ hãi này.
Bùi Trần Trung