Tôi đã thoát khỏi đau đớn do bệnh thoát vị đĩa đệm mãn tính sau hơn 10 năm mắc bệnh như thế nào?
Đôi khi gặp lại những người quen cũ, họ hỏi mình: “Này, thế bệnh thoát vị đĩa đệm của cậu biến đâu mất rồi?”; “Ấy thực sự không còn đau lưng tí nào à?”. Thậm chí mẹ đẻ mình, sống cùng hàng ngày, mà có lúc chợt hỏi: “Bây giờ con thực sự không còn bị đau lưng nữa à?”…để thấy rằng việc thoát khỏi cảm giác đau lưng của mình nó khó tin đến mức nào, bởi vì tình trạng bệnh của mình rất nặng và diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài.
Đó là một ngày mùa hè năm 2004, buổi sáng sau khi tập Aerobic cạnh bể bơi như một việc thường lệ đã diễn ra suốt 9 năm qua, tôi bị đau dữ dội ở ngang lưng, cảm thấy không bình thường, bằng nỗ lực rất lớn, tôi lái xe máy về nhà. Về đến nhà, tôi đau không thở nổi, và nằm liệt tại chỗ, không thể cử động. Tại thời điểm đó, khái niệm “thoát vị đĩa đệm” là thuật ngữ quá xa lạ tới nỗi chẳng ai xung quanh biết để mà nghĩ đến nó. Bố tôi theo kinh nghiệm bản thân cho rằng tôi bị cảm nặng nên co cơ, một thầy thuốc được mời đến nhà, và sau khi được tiêm một liều thuốc giãn cơ, cùng với vật lý trị liệu hỗ trợ, tôi đã có thể đi lại vận động nhẹ nhàng được. Tại thời điểm đó, người thầy thuốc đó cũng thông báo cho tôi biết rằng hai bên cơ lưng của tôi đã bị lệch: 1 bên cao 1 bên thấp.
Sai lầm bắt đầu từ đây.
Sau lần bị đau cấp đó, thi thoảng tôi vẫn bị đau do co cơ, mặc dù không bị nặng tới mức liệt. Tôi luôn nghĩ rằng mình bị cảm lạnh. Mỗi lần như vậy, tôi lại mời một người có chuyên môn tới nhà để bấm huyệt và làm các kỹ thuật vật lý trị liệu, việc này diễn ra rất thường xuyên, và có thể đây cũng là nguyên nhân khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn.
Bốn năm sau, năm 2008, tôi đi khám sức khỏe tại bệnh viện Bạch Mai, sau khi xem kết quả chụp cộng hưởng từ, bác sỹ xác định tôi bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, đốt L2-L3. Do để lâu ngày cùng với các tác động vật lý có thể không đúng cách của các nhân viên VLTL, các thói quen sinh hoạt sai lầm không được sửa chữa, bệnh tình đã ở trạng thái mãn tính, bao đĩa đệm đã bị biến dạng, đẩy ra phía ngoài, chèn ép nhiều vào tủy sống và các búi dây thần kinh. Sau khi biết kết quả, tôi bị shock, bầu trời như sụp xuống dưới chân, tương lai trở nên xám xịt.
Kể từ đó, tôi ra vào bệnh viện thường xuyên hơn, gần như hằng ngày trong 2-3 tuần của mỗi tháng. Các cơn đau khiến tôi không thể làm việc chân tay bình thường được. Có những khoảng thời gian tôi đi trụ 1 chân, và chân kia phải lết theo, hoặc ở trong phòng thì tôi phải bò từ chỗ nọ sang chỗ kia. Bệnh đau lưng diễn ra từng giây, không có một giây phút nào tôi cảm nhận được trạng thái bình thường, luôn luôn là đau, tê buốt, cơn đau thần kinh tọa từ sau lưng dọc xuống gót chân luôn hiện hữu, rối loạn cảm giác nên bàn chân của tôi lúc lạnh buốt như đang đặt vào thùng nước đá, lúc thì như đang đặt lên một chiếc bàn là cắm điện, tôi không biết cảm giác thật của nó là gì. Vào mùa đông, tôi thường xuyên phải thò chân vào máy sưởi, da chân bỏng rát mà cảm giác bên trong vẫn là lạnh buốt thấu xương.
Sự việc không dừng ở đó. Khi đĩa đệm chèn ép vào tủy sống ở lưng, máu không được lưu chuyển thông suốt, cơ thể bị lệch sang một bên, tôi bị thấp đi 1cm so với trước đó. Tôi bắt đầu xuất hiện các cơn đau cổ vai gáy, càng ngày càng nặng hơn. Do đó, ngoài chữa lưng tôi còn phải chữa cả cổ nữa. Có những đêm, tôi không tài nào ngủ được, ngồi bật dậy một mình, nước mắt cứ chảy, chỉ vì cả cánh tay tê dại kéo suốt từ gáy đến đầu ngón tay. Các ngón tay thường xuyên bị run như bệnh nhân Atkison’s, cảm giác không thật, luôn đau như bị trăm nghìn mũi kim đâm xuyên thẳng vào từng đầu ngón tay. Tôi không thể làm chủ cơ thể của mình như trước, đó là những chuỗi ngày khủng khiếp.
Khi chụp MRI sau đó 1 năm, tình trạng thoát vị của tôi nặng hơn một chút, kèm theo đó là thoái hóa toàn bộ các đốt sống lưng và đốt sống cổ, các đĩa đệm của các đốt sống cổ bị hẹp. Các cơn đau tê cổ vai gáy ngày càng trở nên thường trực hơn, tôi sống chung với chúng từng phút, từng giây.
Biện pháp điều trị tại bệnh viện bao gồm: Vật lí trị liệu, uống thuốc, tiêm thuốc diễn ra thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ trong khoảng thời gian 2,5 năm. Mọi người trong bệnh viện hay xuýt xoa rằng tôi quá trẻ để mắc bệnh này, những người vào điều trị toàn từ trung niên tới người già thôi. Nhưng thời gian thay đổi quá nhanh, kể từ khi tôi bắt đầu điều trị tới lúc tôi dừng điều trị tại bệnh viện, những bệnh nhân vào đó ngày càng trẻ, đầu tiên là các em, sau có cả các cháu đang học tiểu học nữa.
Một lần vào bệnh viện như thường lệ, anh KTV hay giúp đỡ tôi đang đi bộ qua hành lang, khi nhìn thấy tôi, anh dừng lại và nói: “Anh chân thành khuyên em hãy đi bơi đi, việc vào đây không giúp ích gì cho em đâu!”
Tôi đã đắn đo việc đi bơi từ lâu, vì kể từ lần chết đuối hụt, tôi đã tự hứa là không bao giờ thò chân xuống nước nữa, tôi rất sợ nước, mặc dù được khuyên nhiều lần, tôi vẫn cứ để đấy đã, chưa làm.
Năm 2011, khi bế con bé con từ tư thế ngồi đứng lên, tôi bỗng nhiên bị đau ngang lưng, và ngã xuống ngất xỉu, không biết gì nữa. Khi tỉnh lại, tôi mở mắt ra nhìn, tôi nghe thấy giọng nói bọn trẻ con nhưng không biết là ai, nhìn thấy hình ảnh rất mờ của 2 đứa con nhưng cũng không biết chúng là ai cả, tôi bị mất nhận thức một lúc. Đến khi hiểu ra rằng chúng là con của mình, thì hình ảnh trước mắt vẫn bị quay cuồng như người tiền đình vậy. Tôi bị liệt ngày hôm đó, và đó là lần đau cấp nặng thứ hai trong đời.
Sau khi có thể đi lại được, bác sĩ đã nhắc nhở tôi: “Với người bình thường, có thể xách 5-10kg cam, nhưng với em, chỉ 2kg đã là quá nặng, huống hồ là một đứa bé, từ nay không được bất cẩn như thế nữa”
Đây là cuộc sống của tôi sao? Tôi không chọn sống yếu đuối như thế. Tôi quyết định thay đổi từ lúc này.
“Cô đeo đai lưng ngay cả khi bơi cơ ạ? Cháu chỉ đeo đai lưng khi đi lại hoặc ngồi thôi.”
“Ừ, cô phải giữ gìn cẩn thận cháu ạ, cô bị thoát vị đĩa đệm 30 năm rồi.”
“Cô vẫn thấy ổn chứ ạ? Cô có phải mổ không?”
“Không, cô chỉ giữ gìn để bảo tồn thôi. Mổ 50/50 nên cô không muốn thử. Hiện tại cô vẫn ổn.”
Đó là một cuộc trao đổi ngắn với một người đi bơi không quen biết ở bể bơi, và chỉ có thế cũng mang lại cho tôi hy vọng tràn trề. Sau khi tìm được một thầy dậy bơi tận tâm, khiến tôi tin tưởng rằng tôi không thể chết đuối được, tôi đã chiến thắng được nỗi khiếp đảm với nước, và bơi giỏi như cá.
Tôi đã đi bơi gần như hàng ngày trong 3 năm liên tiếp, chỉ bơi mỗi một kiểu: bơi ếch. Bệnh đau lưng thoái triển rõ rệt, dù cũng thi thoảng đau thần kinh tọa, ê ẩm lưng, tê chân tay không hết hẳn, tôi không phải vào bệnh viện thường xuyên như trước nữa, thỉnh thoảng thôi. Do bơi ếch nhiều quá, tôi bị đau mỏi cổ vai gáy nhiều hơn, nên tôi lại nhờ thầy giáo trước đây dạy kỹ thuật bơi sải và bơi ngửa để không phải ngóc đầu quá nhiều.
Đến tận giờ, tôi vẫn giữ quan điểm rằng: đi bơi rất tốt cho những người mắc các bệnh về cột sống, nước và sự thả lỏng cơ bắp sẽ giải tỏa các chèn ép cố hữu, mỗi ngày một chút, người bệnh sẽ cảm nhận sức khỏe tốt hơn. Có một lưu ý: cần phải bơi đúng kỹ thuật, do đó phải học tử tế, bất cứ sự vận động nào không đúng kỹ thuật đều có thể gây chấn thương.
Tháng 12 năm 2012, khi đang ngồi trên máy bay, tôi cảm thấy khó thở và đau tức ngực, ù tai, tôi nghĩ việc này do huyết áp và áp suất không khí gây ra và nghĩ rằng nó sẽ hết khi hạ cánh, nhưng việc này kéo dài liên tục 1 tháng sau đó. Tôi cảm thấy hơi ghê, nên đi khám, kết quả là tôi bị mắc bệnh: tim đập chậm do suy nốt xoang (tôi không muốn nói đến bệnh này ở đây nên chỉ lướt qua thôi). Điều quan trọng ở lời khuyên của bác sĩ lần này là: tôi không được đi bơi nữa, một cơn suy tim đột ngột dưới nước sẽ không thể cấp cứu kịp được.
Tôi như bị dội một gáo nước lạnh và đứng hình mất hai tháng sau đó, với việc uống thuốc tăng nhịp tim 3 lần mỗi ngày như robot.
Rồi khát vọng tự do lại trỗi dậy, khi nhìn đống thuốc trước mặt, tôi nghĩ: sống què quặt hoặc sống vui tươi, do mình quyết định, mình có thế làm được. Tôi vẫn nhớ hình ảnh của mình lúc đó, tôi cầm cả đơn của bác sĩ, cầm cả đống thuốc đã mua, tôi vứt thẳng vào sọt rác, từ nay tôi sẽ không bị ám ảnh bởi bệnh tật nữa, khi nào việc gì đến, tôi sẽ lần lượt giải quyết, không có gì phải lo nghĩ trước.
Sau đó, bất cứ lúc nào thích đi bơi, tôi đi bơi, trong lòng cảm thấy vui sướng như mình đang giễu cợt lời cảnh báo của ông giáo sư, nghe stupid thật nhưng lúc đó tôi thấy oách xì lách lắm. Những lúc tim đậm chậm quá, tôi vẫn phải uống thuốc như cũ, nhưng hết triệu chứng là dừng ngay, lại vứt hết ngay chỗ thuốc thừa với suy nghĩ là nó không quay lại lần nữa đâu.
Bơi nhiều quá nên da bị xạm đi, tôi bắt đầu suy nghĩ về các biện pháp thay thế. Bạn tôi khuyên tôi đi học Yoga, nhưng tôi rất sợ chấn thương lần nữa, nên vẫn lăn tăn trong vài năm mà không dám thử. Các cơn đau vẫn thi thoảng ghé thăm, khoảng 2 tháng/ lần tôi phải đi vật lí trị liệu giảm đau do thời gian gần đây không đi bơi thường xuyên nữa. Tôi tìm hiểu và sau đó tham gia học một lớp dạy Yoga trị liệu cho những người bị tổn thương cột sống. Các bài học làm tôi nhớ lại những gì mà các bác sĩ, các kỹ thuật viên trị liệu trong nhiều năm đã hướng dẫn tôi về các tư thế đúng khi đi lại, sinh hoạt, các bài tập luyện nhưng tôi chưa bao giờ đặt chúng ở tầm quan trọng cao nhất. Việc đi học đã đánh thức những mong muốn hiểu biết trong tôi về tìm hiểu giải phẫu cơ thể người, lúc đó, tôi nghĩ rằng đó chính là mấu chốt của mọi vấn đề.
Mặc dù không tham gia hết khóa học đó vì nhà xa, tôi tự tin rằng mình có đủ hiểu biết để học các lớp Yoga bình thường, với thầy giáo nào, tôi cũng trao đổi trước về tình trạng bệnh lý của mình và đề nghị được giúp đỡ. Sau một thời gian tập yoga, tôi đã tự tin học thêm lớp thể hình, và dựa trên sự hiểu biết về cấu tạo cơ thể, tôi có thể tập luyện an toàn.
Việc tập luyện liên tục và đều đặn giúp tôi cải thiện sức khỏe rất nhiều, nhưng mấu chốt quan trọng nhất giúp tôi duy trì sự khỏe mạnh toàn diện và thoát khỏi các triệu chứng vĩnh viễn là chế độ ăn uống và rèn luyện tinh thần.
Tôi tổng hợp các yếu tố giúp tôi sống khỏe với căn bệnh này như sau:
1/ Tư tưởng:
Nhận thấy tôi rất buồn khi nghe chẩn đoán, một ông bác sĩ già đã gọi tôi vào và tư vấn cho tôi những lời nói chân tình như một người cha nói với đứa con của mình.
- Cháu biết không, cháu bị thoát vị một đốt sống, nhưng bác bị thoát vị 4 đốt sống. Bạn bè bác rất nhiều người là giáo sư hàng đầu về phẫu thuật cột sống khuyên bác mổ, nhưng bác không chọn lựa cách đó, bác lựa chọn chung sống với căn bệnh này chừng nào có thể.
- Cháu nên biết rằng, bệnh tật không chừa một ai, nếu tất cả mọi người đều được đưa đi kiểm tra kỹ càng về sức khỏe, thì chắc chắn là ai cũng có bệnh.
- Vì thế, cháu hãy coi nó như một người bạn của mình, cháu sẽ chung sống hòa bình với nó suốt đời, để làm được như thế cháu phải học, và cháu sẽ học được nhiều.
Sau đó, vị bác sĩ hướng dẫn tôi cách ngồi thẳng lưng, cách bê đồ vật nặng, tư thế ngồi xuống đứng lên, với lấy đồ, những việc cần tránh,…
Đã 10 năm trôi qua từ lúc nhận được lời khuyên này, tôi vẫn thấy chúng đầy ý nghĩa với mình, và tôi muốn nhấn mạnh rằng: thái độ của bạn với bệnh tật rất quan trọng, thay vì bạn căm ghét hằn học nó, muốn rũ bỏ nó, bạn có thể lựa chọn một thái độ khác: coi căn bệnh đó như người thầy để qua đó bạn học cách làm sao để sống khỏe sống vui dù bạn có tiếp tục đồng hành cùng nó hay không.
Đến đây thì tôi xin phép mở rộng hơn một chút ý nghĩa của việc này: Bất cứ việc nào xảy ra với bạn là việc cần phải xảy ra với bạn, và dù đó là việc gì, ẩn chứa sau nó luôn mang đến cho bạn những bài học giá trị, nếu bạn nhận ra và học được, bạn sẽ trưởng thành, một ngày nào đó, bạn sẽ thấy biết ơn những việc xui xẻo đã kịp thời đến với bạn đúng lúc.
2/ Tinh thần:
Khi đã xác định được tư tưởng rằng tôi không cần phải cố gắng chữa khỏi bệnh (việc này chỉ mang lại những bế tắc khác), tôi chỉ cần sống hòa bình với nó, tinh thần tôi trở nên tích cực hơn.
Song song với việc tập luyện, tôi dành nhiều thời gian để đọc sách, trao đổi với những người có kiến thức, tìm hiểu áp dụng, làm các phép thử sai – thử đúng.
Tôi trở thành một người khách quan chưa từng thấy.
Khi nghe một thông tin dù điên rồ đến mấy, tôi dường như không đưa ra kết luận hay nhận xét ngay lập tức như trước đây nữa.
Tôi nghĩ rằng, những kiến thức học được đã giúp tôi tự tin hơn rất nhiều. Tôi đã thực hành một số phương pháp mà qua đó tôi hiểu hơn về thế giới tự nhiên, sự vận hành của tâm thức, như thế nào là tư duy khoa học đúng đắn.
Tôi nhận ra rằng không những tự giúp mình, tôi có thể giúp đỡ những người khác.
3/ Rèn luyện :
Cho đến hiện tại, tôi tập chính 2 môn: yoga và gym, bơi chỉ là môn thư giãn vì tôi cảm thấy nước bể bơi không được sạch sẽ.
Đây là 3 môn tập luyện mà theo tôi rất có ích lợi cho những người có bệnh giống mình, tuy nhiên cần hết sức lưu ý những chi tiết quan trọng sau đây:
- Bạn cần phải học về sự vận động của các cơ, khớp trong cơ thể mình. Bạn sẽ trở thành một thiền sinh đúng nghĩa, vì bạn sẽ luôn luôn lắng nghe tiếng nói của chính mình, bạn phải nghe thấy.
- Nắm bắt kiến thức nghĩa là bạn phải làm chủ nó, không phải là vay mượn nó. Nếu bạn đọc thông tin và nhắc lại như vẹt, nhưng không thực hành để hiểu, thì kiến thức đó chỉ là thứ vay mượn tạm bợ mà thôi.
- Tập luyện quan trọng nhất là đúng kỹ thuật, nếu bạn không có khả năng tự học thì bạn phải tìm được người hướng dẫn đáng tin cậy.
- Cho dù có người hướng dẫn giỏi, bạn vẫn phải tiếp tục học, vì không ai biết tất cả, họ không hiểu sự đau đớn của bạn, bạn cần chủ động tự học và hiểu cơ thể mình. Đôi khi có hướng dẫn viên chỉ cho tôi phải làm tư thế như thế này, tôi giải thích rằng tư thế đó không phù hợp với tôi, và tôi biết cách thực hiện phù hợp với mình an toàn, điều này rõ ràng là phải tự học. Kiến thức chủ động là rất cần thiết thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào người hướng dẫn.
- Không ham hố tập quá khả năng, không so sánh mình với người khác, bất cứ cảm giác khó chịu, bất tiện là dấu hiệu cảnh báo không ổn, phải ngừng tập ngay, chỉ tập những bài khiến cơ thể thấy thoải mái.
- Việc tập luyện cần đều đặn, coi nó như việc ăn uống hít thở, không làm không được.
Vì sao chúng lại quan trọng?
- Hệ thống xương của bạn đang yếu, hệ thống xương và cơ nâng đỡ trọng lượng cơ thể, bạn khó cải thiện hệ thống xương, nhưng cơ thì có thể. Việc tập luyện thường xuyên sẽ giúp cơ bắp phát triển, săn chắc và khỏe mạnh. Cơ bắp bao bọc lấy xương ở bên trong. Việc rèn luyện cơ đều đặn sẽ tạo phản xạ hoạt động tốt cho cơ bắp. Khi cần sử dụng lực, hệ thống cơ này sẽ tự động phát huy khả năng bảo vệ của nó để đỡ dồn lực lên hệ thống xương.
- Việc rèn luyện vận động hàng ngày, cùng với việc hít thở nhiều hơn sẽ giúp cho mạch máu nhận được nhiều oxy hơn, do đó mà các tế bào hồng cầu và oxy sẽ dễ dàng được vận chuyển đến các tế bào nơi có tổn thương đốt sống, do đó, các tế bào này sẽ được nuôi dưỡng tốt hơn, lâu ngày, các hiện tượng đau, tê mỏi sẽ giảm dần.
- Thể chất của bạn vừa cần sự dẻo dai, lại vừa cần sự vững chãi. Bơi lội và yoga sẽ giúp cho các khớp hoạt động linh hoạt hơn khi mở khớp, xoay khớp, thả lỏng cơ và giảm áp lực lên nơi bị chấn thương. Gym giúp cơ bắp phát triển vững chãi, sẽ tạo ra “trụ cột” kìm hãm sự mở xoay khớp quá đà, giới hạn này tạo ra biên an toàn trong vận động. Các môn tập này hỗ trợ rất tốt cho nhau.
- Việc rèn luyện giúp cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra hiệu quả hơn, bạn sẽ nhận được dinh dưỡng từ thực phẩm tốt hơn trước đây, việc đào thải độc tố và chất bẩn cũng tốt hơn.
4/ Vận động:
Dù cho bạn cảm thấy khỏe đến mấy, bạn vẫn cần vận động hợp lý với các tư thế đúng và tránh các tư thế gây hại như khi bạn vẫn đang bệnh nặng.
5/ Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt:
- Tắm nắng như trẻ con hàng ngày, bất chấp việc da bạn có thể đen đi, đó là một trong những điều tuyệt vời mà thiên nhiên hào phóng tặng không cho bạn, thật lãng phí nếu bỏ qua nó.
- Ăn nhiều rau củ trái cây tươi sống: chúng không những cung cấp lượng vitamin dồi dào, chúng chứa các tế bào sống, tiếp tục hoạt động ngay cả khi đã vào trong cơ thể bạn, bạn sẽ nhận được một nguồn năng lượng tuy vô hình nhưng sau một thời gian thử nghiệm, ai cũng sẽ thấy.
- Uống nhiều nước ép từ trái cây và rau củ quả
- Nếu nấu rau thì hấp là tốt nhất sau đó đến luộc, nên hạn chế tối đa xào qua dầu mỡ.
- Làm việc chân tay nhiều hơn. Việc tốt nhất là làm vườn ngoài trời.
- Hạn chế tối đa ăn thức ăn từ động vật, kể cả sữa và các sản phẩm từ sữa.
- Hạn chế tối đa ăn tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột
- Hạn chế tối đa các sản phẩm từ đường
- Giảm cân nếu cần thiết, duy trì cân nặng ở mức hợp lý với chiều cao của mình.
Hiện tại, tôi vẫn còn rất nhiều điều cần phải học. Một tin vui cho những người có bệnh giống tôi là: sau khi nghiêm túc “sống như trên”, đã 17 tháng nay, tôi không có cảm giác đau lưng, tê mỏi vai gáy thường trực nữa, có lúc tập hơi quá, thì tôi cũng bị đau thoáng qua, nhưng do hiểu về mình, nên tôi để những cơn đau nhẹ đó trôi qua êm đềm và không tăng nặng lên. Trong thời gian 17 tháng qua, tôi không có nhu cầu đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe nữa. Không những bệnh thoát vị cải thiện, sức khỏe tổng thể cũng cải thiện lên rõ rệt: thay vì tránh xách 2kg cam như trước, tôi có thể nhấc tạ 70kg an toàn, tôi có thể thực hiện nhiều động tác khó hơn một cách tự tin. Tôi không có cảm giác đau mỏi mệt khi ngủ dậy, khi thời tiết thay đổi. Tôi không bị cúm theo mùa, mặc dù nói chuyện với những người đang bị cúm, tôi dường như không có biểu hiện bị lây từ họ. Tôi thấy thể lực của mình đang ở độ tuổi 23 – trước khi tôi bị cơn thoát vị cấp lần đầu tiên.
Tôi mong muốn rằng những người bị các căn bệnh mãn tính như tôi và kể cả những người chưa mắc phải bất kỳ căn bệnh nào hãy áp dụng lối sống lành mạnh này để tự do thoát khỏi nỗi sợ hãi và đau đớn của bệnh tật.
Thu Vân – Hà Nội Việt Nam
Add ơi, em có thể xin contact của chị được không ạ?
Vanakikumo@gmail.com e liên hệ nhé